Bảo hành nhà ở là gì? Lưu ý gì khi bảo trì công trình trong quá trình sử dụng
Bảo hành công trình xây dựng là sự cam kết của nhà thầu về trách nhiệm khắc phục, sửa chữa trong một thời gian nhất định các hư hỏng, khiếm khuyết có thể xảy ra trong quá trình khai thác, sử dụng công trình xây dựng. Việc bảo hành công trình xây dựng là nghĩa vụ của nhà thầu được các bên trong hợp đồng xây dựng thỏa thuận, thống nhất với nhau.
Nội dung bảo hành nhà ở thông thường như sau:
- Các phần hoàn thiện như ốp, lát, tô trát, các vết rạn nứt xuất hiện sau thời gian thi công.
- Bảo hành thấm dột ở các vị trí như mái, ban công, sân thượng, sàn WC.
- Bảo hành hệ thống điện âm sàn, âm tường, thiết bị điện như ổ cắm, công tắc, đèn chiếu sáng... nếu thi công hạng mục hoàn thiện.
- Bảo hành hệ thống và thiết bị cấp thoát nước sinh hoạt, các thiết bị vệ sinh như bồn cầu, bồn lavabo, vòi xả nóng lạnh, vòi cấp... néu thi công hạng mục hoàn thiện.
- Bảo hành các hạng mục khác có trong chỉ tiết hợp đồng thi công ký kết giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công.
- Khắc phục các trường hợp nghiêng, lún, nứt, sụt nhà ở và các nội dung khác theo thỏa thuận trong hợp đồng.
- Đối với các thiết bị khác gắn với nhà ở thì bên bán, bên cho thuê thực hiện bảo hành sửa chữa, thay thế theo thời hạn quy định của nhà sản xuất.
Những lưu ý quan trọng
- Có nhiều gia đình không thuê một đơn vị thi công trọn gói (có thể thuê xây dựng phần thô riêng, hoàn thiện riêng, chống thấm riêng, sơn bả riêng) khi xảy ra sự cố thì không bên nào đứng ra nhận trách nhiệm vì thế việc quan trọng là phải đàm phán ngay từ đầu trách nhiệm bảo hành thuộc về ai?
- "Nhà thầu thi công xây dựng công trình có quyền từ chối bảo hành trong các trường hợp hư hỏng, khiếm khuyết phát sinh không phải do lỗi của nhà thầu gây ra hoặc do nguyên nhân bất khả kháng" trong hợp đồng thường có câu này vậy cần làm rõ "bất khả kháng" ở đây là gì ngay trong hợp đồng.
- Nếu tự đứng ra tổ chức xây dựng cần lưu trữ lại hợp đồng với nhà thầu ghi chép lại những nơi đã mua trang thiết bị sau này tiện việc tra cứu bảo hành, danh sách sẽ rất dài ví dụ: nguyên phần điện mua thiết bị chiếu sáng ở 1 cửa hàng, đèn trang trí ở 1 cửa hàng khác, đèn chùm lại ở một cửa hàng khác nữa...
- Thông thường các hạng mục bảo hành phần xây dựng sẽ chỉ khoảng 12 đến 18 tháng, về trang thiết bị thì theo bảo hành của nhà sản xuất hoặc nhà cung ứng.
- Tiền bảo hành công trình thường từ 2% đến 5% tổng giá trị hợp đồng, tuy nhiên hiện nay nhiều đơn vị không đồng ý phần này bởi vì lợi nhuận xây dựng không cao và nhiều, đơn vị thi công không lấy được tiền bảo hành nên họ sẽ bỏ đi trong hợp đồng, hoặc chi phí bảo hành lớn vượt quá số tiền đang bị tạm giữ nhà thầu sẵn sàng bỏ phần tiền này. Trường hợp này nên lựa chọn công ty có uy tín có quy mô và tuổi đời trên thị trường để bảo vệ uy tín họ sẽ chấp nhận bảo hành dù chi phí có lớn đến đâu.
Bảo trì công trình những điều cần lưu ý
- Việc công trình vào sử dụng sẽ phát sinh nhiều hư hại nhỏ hoặc hỏng hóc, việc đầu tiên cần liên hệ với người có trách nhiệm, không tự ý sửa chữa bởi vì nếu bạn tự sửa bên thi công sẽ không chịu trách nhiệm bảo hành nữa. Trường hợp bên thi công không qua sửa chữa kịp thời thì phải thông báo cho bên thi công.
- Vào mùa mưa phải kiểm tra phần thoát nước ở ban công xem có bị tắc, bị lá cây rác che chắn không? bởi vì đây là nguyên nhân chính dẫn đến nước tràn vào nhà và hư hỏng nhiều đồ đạc bên trong (chắc chắn việc này không nằm trong phạm vi bảo hành của nhà thầu).
- Trong thời đại ngày nay nhiều nhà thích trồng cây xanh trong nhà, nhưng cần lưu ý trong đất trồng cây hay có mối nhất là loại đất tự ủ mua từ các vườn cây và nếu để chúng thành tổ sẽ rất khó để diệt (có khi không diệt được phải thay hết đồ gỗ). Cũng việc này vận chuyển đồ gỗ từ nhà cũ qua cần kiểm tra hoặc xịt diệt trùng trước khi đem qua nhà mới.